11 thói quen khuyến khích trẻ nhỏ biết ăn uống lành mạnh và giữ gìn sức khoẻ

Danh mục: Tin dinh dưỡng Đọc: 2 Bình luận: 0

Việc khuyến khích các bé ăn uống không phải lúc nào cũng dễ dàng với các mẹ. Mỗi khi bé bỏ bữa hay biếng ăn mẹ lại hết sức đau đầu và lo lắng. Lời khuyên trong những trường hợp như thế này là các mẹ nên tạo lập thói quen để bé tự nguyện ăn uống một cách lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ.

1. Bữa ăn nhẹ lành mạnh

Các bé và ngay cả các bậc phụ huynh cũng thường thích ăn khoai tây chiên hay đồ ăn nhanh khi cảm thấy thèm nhấm nháp gì đó, nhưng những món ăn nhẹ này lại có ít dinh dưỡng, nhiều năng lượng và rất không tốt cho sức khỏe.

Bởi vậy, nếu muốn bé có thói quen ăn uống lành mạnh thì chính các mẹ cũng phải thay đổi và thiết lập cùng bé nhé. Hãy bắt đầu bằng việc dự trữ các món ăn nhẹ có lợi cho sức khỏe vào trong tủ và ngăn bếp như: trái cây, đồ ăn vặt tự làm (bỏng ngô rang khô, các loại hạt không muối), sữa chua không đường.

2. Uống nước lọc thường xuyên

Các mẹ hãy dùng nước lọc là sự lựa chọn chính cho bé trước hết là bắt đầu ở nhà. Còn nước trái cây và nước ngọt chỉ dùng trong các dịp đặc biệt thôi nhé. Bởi theo Viện Nhi khoa Mỹ, trẻ em uống quá nhiều nước trái cây có thể phải đối mặt với chứng béo phì, tiêu chảy, sâu răng và các vấn đề tiêu hóa khác như đầy hơi và đau bụng. Trong khi, mặc dù không chứa vitamin, protein hay chất xơ nhưng nước lọc lại có những tác dụng tuyệt vời như: phòng ngừa táo bón, cân bằng nhịp tim và ổn định huyết áp giúp bé yêu khỏe mạnh hơn.

Lưu ý: những bé ở tuổi đi học hoặc lớn hơn thường mải chơi tới mức quên uống nước khiến chứng táo bón được dịp bùng phát nên các mẹ nhớ để nước lọc ở những nơi dễ thấy để thuận tiện cho bé. Và để đảm bảo sức khỏe, giúp bé hấp thụ các dưỡng chất một cách tốt nhất, mẹ nên đồng thời tạo thói quen ăn nhiều rau củ quả cho bé.

3. Cùng bé lựa chọn và nấu đồ ăn

Hãy cho bé đi cùng khi bạn đi chợ và hướng dẫn bé cách chọn các loại trái cây, rau quả nhé. Như vậy, sẽ kích thích được sự tò mò và hứng thú của bé với đồ ăn. Sau đó, để bé cùng bạn chuẩn bị và chế biến thức ăn. Khi đó, bé sẽ hiểu được cách làm nên những món ăn lành mạnh và biết quý trọng đồ ăn hơn.

Nếu bé chưa thể làm được nhiều, mẹ có thể nhờ bé giúp mình sắp xếp đồ ăn trên đĩa. Hãy để bé tự do cho thêm những món ăn yêu thích vào món salad trái cây hoặc sáng tạo thêm các món ăn mới, thực đơn mới. Khi tham gia nhiều vào việc nội trợ, các bé sẽ quan tâm nhiều hơn tới vần đề ăn uống.

4. Không sử dụng đồ ăn để thưởng, phạt hay hối lộ các bé

Các chuyên gia về dinh dưỡng đã cảnh báo rằng, hành động dùng đồ ăn để bé cư xử tốt hoặc không cho bé ăn khi không ngoan sẽ tạo tiền đề cho những quan điểm không tốt về thức ăn của bé. Bởi lâu ngày sẽ dẫn tới chứng rối loạn hành vi ăn uống và bé dễ có khuynh hướng dùng việc ăn uống để gây sức ép với cha mẹ. Thậm chí, việc sử dụng các đồ ăn mà trẻ thích làm phần thưởng cũng dẫn đến những nguy cơ về béo phì.

5. Ăn sáng đều đặn

Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày bởi nó sẽ giúp bé khởi động cơ thể và duy trì năng lượng trong suốt một ngày. Bởi vậy, hãy thiết lập thói quen ăn sáng đều đặn ngay từ khi còn nhỏ để bé luôn duy trì như vậy đến khi trưởng thành.

6. Ăn cùng mọi người

Các mẹ nhớ loại bỏ những thói quen xấu cho bé như: vừa ăn vừa xem tivi, ăn trưa ngay tại bàn làm việc của bố mẹ và ăn vặt khi đi đường. Thay vào đó hãy để bé cùng ăn với mọi người trong gia đình, điều này không những giúp giảm việc ăn vặt mà còn giúp bé cảm nhận được tình cảm gia đình một cách trọn vẹn.

7. Ăn chậm, nhai kỹ

Việc ăn chậm luôn là cách tốt nhất để kiểm soát cân nặng. Bởi vậy, hãy giúp bé bé biết ăn từ tốn và nhai thức ăn đúng cách. Như vậy, việc tiêu hóa của bé sẽ diễn ra tốt hơn.

8. Tích cực vận động

Hiện nay, trẻ em đang là đối tượng dẫn đầu nhóm có lối sống ít vận động bởi bé thường xuyên được cho ngồi để xem Ipad, xem TV và chơi game. Điều này dẫn tới việc bé bị chậm nói, mắc các bệnh về mắt và da… Do đó, mẹ hãy khuyến khích bé tham gia vào những trò chơi và hoạt động ngoài trời bất kể khi nào có thể để trẻ được tận hưởng một lối sống năng động mỗi ngày.

9. Làm gương cho bé

Trẻ em luôn có xu hướng tò mò, quan sát và bắt chước theo những người xung quanh. Do đó, để bé thích thú với các bữa ăn và ăn được đa dạng món, thái độ của cha mẹ đối với bữa ăn cũng rất quan trọng. Bé thường có xu hướng thích các món ăn giống cha mẹ mình. Nên các mẹ đừng bao giờ: bỏ giở cơm, không ăn hết đồ ăn trong bát và đặc biệt tránh ăn kiêng trước mặt bé.

10. Hạn chế việc ăn quà vặt của bé

Các mẹ đừng cho bé ăn quà vặt suốt ngày. Bởi các món đồ ăn này vừa không tốt cho sức khỏe của bé lại vừa khiến bé không thể ăn ngon miệng vào bữa chính.

11. Hãy thật kiên nhẫn

Các nghiên cứu đã cho thấy hầu hết các bé cần ăn thử một món gì mới từ bảy đến mười lần trước khi chúng cảm thấy thích món ăn đó. Bởi vậy, các mẹ đừng lo lắng khi tập cho bé nếm các mùi vị mới hoặc lạ. Hãy nói với bé rằng, ăn thử các món ăn mới là dấu hiệu cho thấy bé đã lớn hoặc dẫn bé đi mua sắm và cho bé chọn các loại thức ăn mới, có lợi cho sức khỏe mà bé đã được ăn tại nhà và cảm thấy thích.

Để lại một bình luận

Trả lời